Từ Masan Group, Saigon Co.op tới Nova Group, Thaco,… các doanh nghiệp bán lẻ Việt đang cựa mình thức giấc?
"Ước mơ của tôi là 5 - 7 năm nữa sẽ lấy lại ngành bán lẻ về tay người Việt", ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch của Thế Giới Di Động chia sẻ trong cuộc họp cổ đông diễn ra vào cuối tuần trước.
Người đứng đầu Thế Giới Di Động nói rằng ở Việt Nam, doanh thu 30.000 - 40.000 tỷ trong ngành bán lẻ hiện đại chỉ có thể kể đến những cái tên Việt như Bách Hoá Xanh, Saigon Co.op và VinMart (VinCommerce). Mặc dù vậy, thị phần Bách Hoá Xanh hiện mới chiếm 10% và rõ ràng tiềm năng vẫn còn rất lớn.
"Những năm kế tiếp, thị phần có thể tăng 50% - 70%", ông Nguyễn Đức Tài tự tin dự báo. Trong khi đó, những số liệu từ các công ty nghiên cứu thị trường và công ty chứng khoán đều chỉ ra rằng: bán lẻ tiêu dùng đang bắt đầu bước vào giai đoạn bùng nổ ở Việt Nam.
Tập đoàn SK Group của Hàn Quốc dự kiến kênh thương mại hiện đại của Việt Nam sẽ chiếm 50% toàn ngành bán lẻ, thay vì con số 8% như hiện tại. Điều này giúp Việt Nam trở thành thị trường bán lẻ hiện đại phát triển nhanh nhất châu Á - Thái Bình Dương trong thập kỷ tới.
Với giả định tổng giá trị bán lẻ toàn thị trường năm 2020 đi ngang so với 2019, báo cáo của VNDirect chỉ ra rằng quy mô thị trường này có thể đạt gần 350 tỷ USD vào năm 2025, tức gấp 1,6 lần so với hiện tại.
Do đó không lạ khi thời gian gần đây, thông tin về sự trở lại của các doanh nghiệp Việt trên sân chơi bán lẻ như Kido, Thaco, Masan, Thế Giới Di Động,… , lại được truyền thông đưa tin nhiều đến thế. Hàng trăm triệu USD đã được rót vào thị trường này chỉ sau một thời gian ngắn.
Các thương vụ M&A nuốt chửng ngành bán lẻ Việt
Central Group - tập đoàn bán lẻ hàng đầu Thái Lan của tỷ phú Tiang Chirathivat, lần đầu bước chân vào Việt Nam từ năm 2014, với sự ra mắt của trung tâm mua sắm Robinson. Sau bước thăm dò, Central Group không dấu tham vọng muốn đánh nhanh thắng nhanh trên sân chơi bán lẻ Việt Nam bằng các thương vụ M&A.
Mở đầu là việc chi hàng triệu USD mua 49% cổ phần Công ty Đầu tư Phát triển Công nghệ và Giải pháp Mới NKT (NKT) - đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim, vào năm 2015 và tiếp tục hoàn tất thương vụ vào năm 2020 với giá 2.600 tỷ đồng cho 51% cổ phần còn lại.
Một năm sau, năm 2016, tỷ phú Tiang Chirathivat tuyên bố chuỗi bán lẻ siêu thị Big C Việt Nam của tập đoàn Casino (Pháp) đã nằm hoàn toàn trong tay mình với giá 1,1 tỷ USD. Đầu năm nay, đại gia bán lẻ Thái cho biết mục tiêu sẽ có 300 điểm bán tại 55 tỉnh, thành phố vào năm 2025.
Một doanh nghiệp Thái khác là TCC Holding của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi tuyên bố hoàn tất việc thâu tóm toàn bộ Metro Việt Nam với số tiền khoảng 880 triệu USD vào năm 2016. Năm sau đó, vị tỷ phú này tiếp tục rút hầu bao 5 tỷ USD để mua lại 53,59% cổ phần Sabeco, qua đó gián tiếp chiếm 40% thị phần bán lẻ bia tại Việt Nam.
Bên cạnh người Thái, dường như thị trường bán lẻ Việt cũng rất hợp khẩu vị doanh nghiệp Nhật. Trong những năm qua, lần lượt các doanh nghiệp Nhật như AEON, Matsumoto Kiyoshi Holdings, Sumitomo,… cũng tăng tốc mở hàng loạt các chuỗi cửa hàng, siêu thị, trung tâm mua sắm như AEON Mall, Family mart, Ministop, Takashimaya, 7-Eleven,…
Tương tự người Thái, người Nhật cũng đẩy mạnh việc hợp tác mua lại các hệ thống siêu thị có sẵn trong nước. Hiện Aeon đang sở hữu 49% cổ phần hệ thống siêu thị Citimart, đổi tên thành AEON Citimart và 30% cổ phần tại hệ thống siêu thị Fivimart. Mới đây nhất là đơn vị bán lẻ quần áo thời trang Nhật Bản Uniqlo cũng đã tiến vào Việt Nam với tham vọng sở hữu 100 cửa hàng trong vòng 10 năm tới.
Nhận xét
Đăng nhận xét