Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Cao su đã có những trình bày trước cổ đông và báo chí để thị trường hiểu rõ hơn và yên tâm trước thông tin liên quan đến sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai.
Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: GVR), ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị đã phản hồi về một số thông tin liên quan đến sai phạm đất đai theo kết luận Thanh tra Chính phủ.
Ông Thuận cho biết, một số cơ quan báo chí đã đưa không rõ và không chính xác về việc tập đoàn đưa 12 khu đất để góp vốn liên doanh, liên kết, cho thuê lại đất không đúng quy định; thoái vốn không thông qua đấu giá, vi phạm quy định pháp luật. Ông Thuận khẳng định 12 vụ việc này không liên quan đến GVR.
Ông Thuận cho biết tập đoàn đã gửi báo cáo chính thức tới Ban Tư tưởng văn hóa thành ủy, Sở văn hóa truyền thông và cả Ban Tuyên giáo Trung ương...Ông cho biết việc đưa tin chưa đúng của báo chí sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của tập đoàn.
"Thị trường đang hiểu sai rằng GVR còn sở hữu quá nhiều cơ sở nhà đất"
Kết luận thanh tra nêu rõ GVR có 759 khu vực đất đai thuộc khu vực phải xử lý sắp xếp.
Ông Thuận chia sẻ, trong số khu đất phải sắp xếp đó thì có trên 500 là chòi và trạm lấy mủ cao su và hoàn toàn nằm trong lô đất cao su.
Điều này "khác với những gì chúng ta đang hiểu là cơ sở nhà đất, trụ sở này, tòa nhà nọ hoặc khu đất thuộc trung tâm thị trấn", trích lời của vị Chủ tịch.
Ông Thuận cho biết, những trạm lấy mủ cao su đó mang tính lịch sử, có nơi hình thành từ thời Pháp, hơn 123 năm, và dễ thấy nhất là ở khu vực Đông Nam Bộ.
Quá trình khai thác mủ tất nhiên phải có các trạm trú mưa nắng, nơi tập trung,...Chủ tịch HĐQT GVR cho biết đây chính là cơ sở nhà đất mà theo khái niệm của luật là chưa được rạch ròi.
"Chúng tôi là những người quản lý các khu đất này đã trao đổi rất nhiều với cơ quan thanh tra nhưng họ cho rằng quy định như vậy thì cứ ghi như vậy, sau này giải thích sau". Do đó, ông Thuận cho rằng thị trường đang hiểu sai rằng GVR còn sở hữu quá nhiều cơ sở nhà đất.
Thực ra, GVR chỉ sở hữu nhà đất đếm trên đầu ngón tay, chỉ vài ba cơ sở ở khu vực Hà Nội và TP HCM, còn lại là các trạm lấy mủ, lô, nhà máy chế biến thậm chí là nơi quản lý trực tiếp vườn cây gắn với người lao động, ông Thuận khẳng định.
Nhận xét
Đăng nhận xét