Một ngày đầu năm 2020, chuỗi đồ uống nổi tiếng Phúc Long bất ngờ bắt tay với Masan Group để khai trương một kiosk bán trà sữa ngay bên trong một siêu thị VinMart tại TP HCM. Đây là lần đầu tiên Phúc Long kết hợp với một thương hiệu bên ngoài để mở điểm bán mới.
Trước Phúc Long, một chuỗi đồ uống Việt khác là Cà phê Ông Bầu cũng có động thái tương tự khi "cộng sinh" với chuỗi nhà hàng bia Ba Gác để tăng lượng khách.
Tuy nhiên, sự hợp tác giữa Phúc Long và Masan Group trong thời điểm này lại có ý nghĩa hơn cả, khi thị trường F&B Việt đang có những đồn đoán về việc một ông lớn trong ngành bán lẻ đang có ý định thâu tóm chuỗi đồ uống này.
Ông lớn đó không ai khác lại chính là CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group), đơn vị đang sở hữu chuỗi VinMart và VinMart+.
Liên quan đến vấn đề này, Phúc Long chưa đưa ra thông tin chính thức. Về phía Masan, đại diện tập đoàn từ chối bình luận trước thông tin trên. Song, đại diện Masan khẳng định: "Masan luôn muốn hợp tác với các doanh nghiệp Việt, gia tăng sức mạnh cho ngành bán lẻ nội địa."
Điều này cũng khá dễ hiểu bởi một khi thương vụ đang trong quá trình đàm phán, các bên sẽ không được phép công bố ra bên ngoài.
Ở góc độ kinh doanh, một thương vụ M&A thông thường là sự kết hợp cần thiết để mở rộng kinh doanh nhanh nhất có thể. Đặc biệt trong lĩnh vực F&B đang trong giai đoạn cạnh tranh ngày một gay gắt, khả năng Phúc Long cần thêm động lực để tiếp tục phát triển là rất cao.
Theo số liệu chúng tôi có được, Phúc Long đang trên đà tăng trưởng mạnh về doanh thu trong những năm gần đây. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động theo ghi nhận của doanh nghiệp này vẫn đang ở mức thấp.
Doanh thu năm 2019 của Phúc Long là 779 tỷ đồng, tăng 65% so với năm 2018. Các năm trước đó, tăng trưởng doanh thu cũng liên tục ghi nhận mức tăng cao, lần lượt 39% và 25% (2018 và 2017).
Nếu so với các ông lớn trong thị trường chuỗi cà phê tại Việt Nam, doanh thu của Phúc Long chỉ xếp sau Highlands Coffee (doanh thu 2.199 tỷ đồng năm 2019) và ngang ngửa với các tên tuổi ngoại như Starbucks (783 tỷ đồng) hay The Coffee House (863 tỷ đồng).
Doanh thu cao, song những năm gần đây, lợi nhuận sau thuế của Phúc Long chỉ khoảng vài tỷ đồng. Đơn cử năm 2019 chuỗi đồ uống này ghi nhận lãi 20 tỷ đồng, trước đó năm 2018 là 4 tỷ đồng và 2 tỷ đồng lãi năm 2017.
Tương tự các doanh nghiệp F&B trong ngành, với "chiếc áo" thị trường đang ngày một hẹp bởi sự góp mặt của nhiều người chơi mới, các chuỗi đồ uống như Phúc Long phải tận dụng mọi cơ hội để chiếm thị phần, từ "cắn răng" thuê mặt bằng đẹp tới chịu chi cho những chiến dịch quảng cáo truyền thông tốn kém. Điều này vô tình đã đẩy doanh nghiệp rơi vào cảnh doanh thu khủng nhưng lợi nhuận lại bèo bọt.
Cũng vì lý do này, tin đồn về một thương vụ M&A giữa Phúc Long và Masan càng có thêm cơ sở. Với giá trị mà Phúc Long hiện có, nếu về với Masan, cái lợi trước mắt dễ thấy nhất đó là hệ thống cửa hàng và tập khách hàng khổng lồ đến từ các chuỗi VinMart/VinMart+ của Masan.
Với xấp xỉ hơn 2.300 cửa hàng tiện lợi và siêu thị trên khắp cả nước, VinCommerce hứa hẹn sẽ mang tới cho Phúc Long thêm hàng nghìn điểm bán mới, với những vị trí mặt bằng đẹp.
Xem thêm chi tiết: https://vietnambiz.vn/phuc-long-truoc-tin-don-ma-20210130234850411.htm
Nhận xét
Đăng nhận xét