Trong khi nhiều người trẻ còn đang mơ hồ với quản lí tài chính cá nhân thì một số người khác lại tìm cách bắt đầu xây dựng nền tảng vững chắc từ sớm.
Chuyên gia tài chính và phóng viên của Business Insider Tanza Loudenback đã có những chia sẻ về ba nguyên tắc tài chính quan trọng nhất cho người trẻ. Theo cô, không phải tất cả mọi người đều cần sống theo các qui tắc y như nhau nhưng rõ ràng, ai cũng cần sống có mục đích, nhất là thực hiện các mục đích về tài chính, tiền bạc.
Cô Loudenback cho biết: "Khi còn là một sinh viên mới tốt nghiệp đại học, tôi nhớ mình đã luôn căng thẳng khi nghĩ đến việc cân bằng bản thân mình với cuộc sống năng động, cạnh tranh ở thành phố New York. Tôi bắt đầu một công việc mới với một nhóm người cùng tuổi.
Tôi muốn sống có trách nhiệm và tiết kiệm tiền cho tương lai, nhưng tôi cũng muốn tận hưởng hiện tại. Tôi quyết tâm tránh mắc nợ bằng mọi giá, tuy nhiên, tôi lại chẳng biết lập ngân sách thế nào. Sau này, tôi đã lựa chọn một vài qui tắc tài chính cá nhân và tự rút kinh nghiệm".
Ba nguyên tắc tài chính cho người trẻ để ổn định và giàu có
1. Tuân thủ tỷ lệ 50/30/20 khi quản lí tài chính
Nguyên tắc chi tiêu 50/30/20 đã được Thượng nghị sĩ Mỹ, cựu giáo sư Harvard Elizabeth Warren và con gái bà Amelia Warren Tyagi giới thiệu lần đầu tiên trong cuốn sách best seller trên New York Times có tên là "All Your Worth: The Ultimate Lifetime Money Plan" (tạm dịch: Tất cả giá trị của bạn: Kế hoạch kiếm tiền trọn đời).
Cuốn sách được nhiều người trên khắp thế giới coi là kim chỉ nam để quản lí tài chính, trang trải mọi chi phí hợp lí trong khi vẫn đảm bảo sự linh hoạt.
Các tác giả đề xuất chia thu nhập thành ba loại: 50% dành cho chi phí cố định, 30% là tiền chi tiêu linh hoạt và 20% để tiết kiệm và trả nợ.
Dĩ nhiên, bạn có thể tăng tỷ lệ tiết kiệm và giảm tỷ lệ tiền cho các chi phí phát sinh nhưng nhìn chung, hãy thử tuân thủ nguyên tắc này trong một thời gian dài và bạn sẽ thấy được sự khác biệt. Cho dù thu nhập của bạn quá thấp thì vẫn cần để tiết kiệm hàng tháng vì đó là cách duy nhất để bạn xây dựng nền tảng tài chính và giàu có hơn sau này.
2. Chi tiêu ít hơn 30% thu nhập cho chi phí nhà ở
"Qui tắc 30%" được chính phủ Mỹ giới thiệu từ rất lâu trước đây. Vào những năm 1930, chính phủ đã thiết lập một thước đo phổ quát về khả năng chi trả nhà ở. Đến những năm 1980, các chuyên gia đánh giá bất kì ai chi hơn 30% tổng thu nhập của họ cho nhà ở là một sai lầm tạo nên "gánh nặng tài chính".
Dữ liệu điều tra của cơ quan chức năng Mỹ cho thấy, tính đến hai năm trước đây thì có tới gần một nửa người dân nước này phải chịu gánh nặng về chi phí nhà ở.
Nhìn chung, nếu bạn đã có nhà riêng để ở thì là tốt nhất nhưng nếu còn đi ở thuê, hãy giữ chi phí thuê nhà và các tiện ích, phí dịch vụ thấp hơn 30% thu nhập sau thuế của mình. Nguyên tắc tài chính này sẽ không phù hợp với tất cả mọi người, nhưng nó có thể có tác động lâu dài nếu bạn có thể thực hiện.
3. Tiết kiệm từ 3 đến 6 tháng chi phí cho những trường hợp khẩn cấp
Nguyên tắc để tiết kiệm quĩ khẩn cấp là: Nếu bạn chỉ có một khoản thu nhập chính, bạn sẽ cần để dành tối thiểu 6 tháng chi phí; nếu có thu nhập kép thì bạn nên để 3 tháng chi phí. Về mặt lí thuyết quản lí tài chính, bạn càng có ít nguồn thu nhập thì bạn càng cần nhiều tiền để tiết kiệm hơn.
Quĩ khẩn cấp là khoản tiền mà bạn có thể nhanh chóng sử dụng nếu có trường hợp khẩn cấp xảy ra như ốm đau, tai nạn, mất việc... Đối với đại đa số mọi người, các vấn đề xảy ra đe dọa sự ổn định tài chính là không thể tránh khỏi, chỉ là khi nào mà thôi.
Nhận xét
Đăng nhận xét